Vero Meets là chuyên mục độc quyền mới nơi Vero trò chuyện với những gương mặt sáng giá tại thị trường bản địa – những nhân tố dù không hoạt động trong vai trò chuyên gia marketing nhưng vẫn đã, đang và sẽ thực hiện các dự án liên hệ mật thiết với lĩnh vực này.
Trong số đầu tiên, Vero Meets sẽ cùng bạn gặp gỡ Đá Số Tới – ban nhạc pop-punk Việt Nam chúng tôi vừa hợp tác qua một sản phẩm âm nhạc cho thương hiệu dao cạo râu DORCO.
Hãy giới thiệu một chút về Đá Số Tới nào.
Chuột: Chúng mình có ba thành viên. Mình là Chuột, mọi người hay gọi mình là Chuột Sấm Sét, sinh năm 1999, chơi guitar và hát. Hiển sinh năm 2000, chơi bass và hát. Còn Thái sinh năm 2004 và đảm nhiệm vị trí chơi trống.
Hình mẫu trong âm nhạc của các bạn là ai?
Chuột: Ở Việt Nam ai cũng biết tới band punk nổi tiếng nhất là 7uppercuts. Đó là hình mẫu truyền cảm hứng để tụi mình theo đuổi dòng nhạc này. Sau đó tụi mình mới nghe và học hỏi thêm từ các band Nhật như WANIMA, Hi-Standard, Four Get Me A Nots.
Một số nghệ sĩ underground sau một thời gian làm việc độc lập sẽ có xu hướng tìm kiếm công ty quản lý chuyên nghiệp hoặc hãng đĩa để ký kết, có ekip phía sau giúp triển khai tưởng từ A-Z, đảm bảo hơn về mặt hình ảnh. Việc Đá Số Tới hoạt động độc lập mà không có sự hỗ trợ từ các hãng đĩa hay công ty quản lý chuyên nghiệp mang đến thách thức gì cho nhóm?
Chuột: Tiêu chí của tụi mình là “có gì làm nấy”. Nhóm cũng không đặt nặng vấn đề phải có MV xịn. Ban đầu tụi mình gặp khó khăn ở nhiều khâu do cũng mới va chạm lần đầu. Không biết cách ra mắt bài hát như thế nào, không biết cách đăng nhạc, tìm nhà phân phối, không biết phải lên kế hoạch truyền thông ra sao. Vì không biết nên tụi mình hỏi kinh nghiệm từ các band đi trước, rồi mới tích góp thông tin lại và tự làm hết tất cả.
Tụi mình cũng chưa nghĩ đến việc tìm hãng đĩa hay công ty quản lý chuyên nghiệp vì cảm thấy mô hình đó hơi bó buộc, không phù hợp với nhóm. Ngoài ra còn một tiêu chí là người làm chung với tụi mình phải hiểu được nhạc của Đá Số Tới. Mà số lượng ekip ở Việt Nam hiểu được nhạc của tụi mình còn ít quá. Cho nên nhóm muốn tự thân vận động, hoặc là làm dự án trên tinh thần hợp tác thôi thay vì gia nhập công ty hay một label nào đó.
Cảm hứng âm nhạc của các bạn đến từ đâu? Tiêu chí sáng tác của nhóm là gì?
Chuột: Tụi mình lấy cảm hứng sáng tác từ những câu chuyện quan sát xung quanh và từ chính bản thân mình. Đó là những điều bình dị nhất trong cuộc sống mà ai cũng gặp qua hết. Ví dụ như tình huống sáng thức dậy ngại đi làm mà muốn ngủ tiếp nữa, đó cũng là một chủ đề mà nhóm sẽ đem vô nhạc. Nhạc của Đá Số Tới không phải chỉ chơi riêng cho tụi mình, mà cho khán giả và cho những người đồng cảm với tụi mình nữa.
Tụi mình không đặt tiêu chí làm nhạc để bài hát đó được nhiều người biết tới. Tụi mình đề cao cảm giác khi nghe bài hát đó hơn. Nhạc của Đá Số Tới truyền tải thông điệp tích cực không phải bằng cách kêu gọi người khác “hãy tích cực lên”, mà tụi mình dùng một vấn đề trung gian để nâng cao tâm trạng của họ. Ví dụ như tình yêu, có ai mà không yêu cơ chứ. 😊 Nên tụi mình sẽ khai thác những vấn đề đó để mọi người dễ hiểu, nghe là cảm nhận được tinh thần ngay.
Các bạn phân công vai trò với nhau như thế nào khi làm nhạc?
Chuột: Mình sẽ tự brainstorm trước, viết đại một melody, keyword hay key message gì đó. Xong mình mang vô phòng tập trao đổi với Hiển và Thái. Mọi người nhào vô hát, cùng bàn bạc chỗ này chỗ kia thêm thắt gì cho hay rồi ghép lại với nhau.
Trong quá trình làm việc các bạn có bao giờ gặp mâu thuẫn không? Nếu có thì thường là mâu thuẫn như thế nào?
Chuột: Mới đây là tụi mình cũng có mâu thuẫn luôn. Hai thằng cãi lộn xong không đi tập. Thằng còn lại ngồi nhà buồn “chán quá ta, hai thằng này cãi nhau vấn đề gì xàm xí quá à, tự nhiên cãi nhau xong hổng đi tập”. 😊 Mâu thuẫn của tụi mình xàm lắm, toàn cãi lộn về những thứ không đâu. Nhưng rồi tụi mình giải quyết mọi thứ bằng nhạc hết. Vô chơi nhạc, mạnh ai người nấy chơi. Chơi một hồi vui trở lại là không cần ai xin lỗi ai nữa.
Các sản phẩm âm nhạc từ trước tới giờ đều do Đá Số Tới độc lập sản xuất. Vậy các bạn cảm nhận như thế nào về sản phẩm collab đầu tiên “ChoiChoiChoi” vừa ra mắt?
Chuột: Tụi mình khá vui vì chưa bao giờ được hợp tác với một nhóm hài độc thoại như Saigon Tếu, hay với một rapper như LOW G. Đó giờ tụi mình chưa nghĩ tới việc kết hợp với người khác để làm nhạc. Đây cũng là cái duyên để mọi người gặp nhau cùng làm việc. Mình thấy pop punk có thể kết hợp với mọi thể loại nhạc, chắc giờ mình mang cải lương vô pop punk cũng được nữa. 😊
Các bạn nghĩ sao về những dự án âm nhạc mang tính thương mại, thậm chí nhờ có dự án thương mại mà một số nghệ sĩ underground có thể sống được bằng đam mê của mình?
Chuột: Trước khi nhận lời cho dự án thương mại tụi mình sẽ cân nhắc kỹ xem dự án này có phù hợp với mình không, có gần gũi với mình không, có vui không và có tác động như thế nào. Nếu như qua dự án đấy mà người nghệ sĩ vừa có thể có thu nhập, vừa được làm điều mình thích thì quá tuyệt vời rồi. Việc tham gia dự án thương mại hiện giờ cũng là điều bình thường với nghệ sĩ. Bên cạnh đó, vì là hợp tác nên sẽ cần tiếp thu và cân nhắc ý kiến từ nhiều phía để có sản phẩm hoàn chỉnh. Điều này khá khác so với khi tụi mình làm nhạc riêng cho nhóm.
Năm vừa rồi rap thực sự là xu hướng thống trị. Trong các dự án quảng cáo thương mại, rap có lợi thế vì truyền tải được nhiều thông điệp, nhiều thông tin hơn nhờ hàm lượng lyrics lớn. Bạn nghĩ đâu sẽ là lợi thế của pop punk trong các dự án đó?
Chuột: Giai điệu vui tươi và lời hát ngắn gọn, dễ hiểu. Hai thứ này cộng lại sẽ tạo ra sức kết nối mạnh mẽ và chạm đến tinh thần của người nghe. Quan trọng là âm nhạc của mình khiến họ đồng cảm được.
Hiển: Chất nhạc pop punk sẽ phù hợp với việc đánh vào tiềm thức của người nghe hơn là nhận thức. Pop punk có thể kích thích tinh thần người nghe, dù họ có thể chưa hoàn toàn “ngấm” thông điệp mình đang nói nhưng vẫn muốn chủ động đứng dậy để hành động. Giống như là thôi miên vậy, không cần nói nhiều nhưng nghe vô là bắt được cái tinh thần ngay.
Nếu không phải là thành viên của Đá Số Tới thì lúc này các bạn đang làm gì?
Hiển: Mình sẽ vẫn làm nhạc part-time song song với đi học. Chơi nhạc vẫn là nghề tay trái. Mình nghĩ trong tương lai sẽ tìm một công việc văn phòng. Nếu có duyên để chơi nhạc fulltime, mình có thể phát triển thành một artist chẳng hạn, tùy thuộc cái duyên của mình với pop punk.
Chuột: Ví dụ bây giờ tụi mình mà không làm nhạc nữa thì sẽ mở quán bi-da. 😀
Hiển: OK mình sẽ là chủ hùn tiền chung với Chuột.
Chuột: Mình chưa xác định tương lai sẽ trở thành ai hay làm gì, chỉ biết hiện tại có Đá Số Tới và hết mình cho các dự án của nhóm thôi. Ai mà biết được ngã rẽ tương lai sẽ dẫn mình đi đâu. Thậm chí nếu bây giờ không chơi nhạc thì tương lai có thể khác đi nhiều nữa.
Các bạn cảm giác thế nào khi người khác gọi Đá Số Tới là “nghệ sĩ”?
Chuột: Được gọi như vậy là tụi mình thích quá trời, cảm thấy rất vui. Nhưng tụi mình không tự nhận là nghệ sĩ đâu. Tụi mình chỉ làm nhạc, chơi nhạc thôi. Tụi mình không quan tâm đến mấy “chức danh”.
Hiển: Tụi mình là ban nhạc, người làm nhạc. Nếu có được gọi là nghệ sĩ thì vui mà không có cũng vui. Nói chung đường nào cũng vui hết!