Vero Meets #3: Phỏng Vấn Chú Môi

Insights

Vero Meets #3: Phỏng Vấn Chú Môi

Nguyễn Duy Anh, hay còn được biết đến với nghệ danh Chú Môi, là một họa sĩ tự do tại Sài Gòn. Từng bị trêu chọc ngày nhỏ về đôi môi có phần “đầy đặn” của mình, Duy Anh đã quyết định biến áp lực thành động lực và đưa cái tên “Chú Môi” trở thành một thương hiệu cá nhân độc đáo. Nếu là một tín đồ của giới Local Art tại Việt Nam, có thể bạn đã (hoặc sẽ) bắt gặp những tác phẩm “cộp mác” Chú Môi trên các trang mạng xã hội.

 

Chân dung Chú Môi 

Cùng chia sẻ một chút về trường phái hội họa mà Duy Anh đang theo đuổi nào. 

Hai trường phái hội họa mình theo đuổi chính là Lập thể (Cubism) và Tân biểu hiện (Neo – Expressionism). Nghệ sĩ đặc trưng của trường phái Lập thể là Picasso, còn của trường phái Tân biểu hiện là Basquiat. Mình bắt đầu tìm hiểu và theo đuổi hai trường phái này từ khoảng tháng 3-4/2019.  Trước đó mình cũng là artist nhưng chuyên về vẽ minh họa, liên quan đến graphic design nhiều. Lúc mình chuyển qua hội họa, vẽ tay là tầm 2019. Mình chuyển từ vẽ minh họa bằng máy sang vẽ tay trên khung canvas.

Giữa rất nhiều trường phái hội họa, tại sao bạn lại chọn Lập thể và Tân biểu hiện?  

Thứ nhất có lẽ vì mình muốn độc và lạ. Vì mình vẽ chân dung hay tả thực thì có gì đó lại giống với mọi người rồi, có chút hàn lâm. Mình muốn có chất riêng của mình, khi người khác nhìn vào tác phẩm của mình thì sẽ biết “à, đây là tác phẩm của Chú Môi”.  Thứ hai, mình không hiểu sao khi tìm hiểu và thử nghiệm hai trường phái trừu tượng này thì nó cho mình rất nhiều trải nghiệm, nó giải tỏa được năng lượng và cảm xúc của mình rất nhiều khi mình gặp vấn đề trong giai đoạn đó. Ví dụ như trường phái Lập thể của Picasso đi, thời gian đó mình đang gặp một số chuyện không vui. Mình vô tình biết thể loại đó và tìm hiểu, lúc vẽ ra được bức đầu tiên mình cảm thấy được giải tỏa về cảm xúc, và trải nghiệm được một kỹ năng mới, một thể loại mới để mình theo đuổi. 

“Hủ Tiếu Gõ”

Bạn sẽ chọn 3 từ gì để mô tả cảm nhận của bản thân về hai trường phái này?   

Quậy, Điên, và Đã.  

Vì mỗi lần mình vẽ một bức, mình không cho rằng bản thân đang thực hiện một tác phẩm nghệ thuật. Mà là mình đang chơi với màu sắc, với những cây cọ của mình. Và từ những dòng suy nghĩ rằng mình đang “chơi” đó, mình sẽ đi hết cỡ với ý tưởng rồi múa với cây cọ, rồi phối màu thế nào đó. Và khi nó thể hiện ra hết ý tưởng của mình thì cảm xúc thực sự rất “đã”. Mình cảm thấy hài lòng với tác phẩm của mình lúc đó. 

Phải chăng việc đến với nghệ thuật là để chiều chuộng luồng cảm xúc của mình, thay vì để phục vụ mục đích thương mại hay đáp ứng công chúng? 

Đúng vậy. Người làm nghệ thuật là để phục vụ cái tôi, mục đích xuất phát từ sâu bên trong người nghệ sĩ. Nó có sự khác biệt giữa một nghệ sĩ và một graphic designer. Lúc mình còn học design thì hay thấy mọi người còn tranh cãi về sự khác nhau giữa hai công việc đó.

Một cái là cho thương mại, làm cho khách hàng và làm hài lòng khách hàng. Một cái là làm hài lòng bản thân mình, chiều chuộng bản thân mình.  Lúc đến với hội họa, mình có hai luồng suy nghĩ chính. Thứ nhất là để thỏa mãn cái tôi của bản thân. 

Thứ hai là để phục vụ cho tầm nhìn mỹ thuật và suy nghĩ của khán giả. Mình muốn khi khán giả nhìn vào tranh của mình và hiểu được thông điệp, họ sẽ thốt lên “Wow!” và nhận ra vấn đề sâu xa mình muốn truyền tải. Đó là hai yếu tố mà mình luôn cố gắng cân bằng – làm hài lòng mình và phát triển tầm nhìn nghệ thuật của khán giả. 

Đối với người làm sáng tạo, câu hỏi thường gặp là “làm thế nào để có ý tưởng, làm thế nào để trở nên sáng tạo”. Có người tin rằng sự sáng tạo có thể rèn luyện được, và tự đặt nguyên tắc rèn luyện đó cho bản thân, giống như cách Duy Anh từng làm với dự án Môi’s Outer Space thời gian đầu là mỗi ngày vẽ một bức. Có người lại tôn thờ sự ngẫu hứng, khi nào cảm hứng đến sẽ theo dòng chảy đó mà sáng tạo. Vậy Duy Anh thuộc trường phái nào?

Mình nghiêng về cái thứ hai nhiều hơn. Mặc dù mình cũng tự đặt ra mục tiêu là mỗi ngày sẽ có một cái gì đó mới trong việc sáng tác, nhưng việc sáng tác ở đây không hẳn là để làm ra một tác phẩm nào đó. Sáng tạo còn xuất phát từ việc duy trì tâm thức.   

Nếu một ngày mình không vẽ thì sẽ phải đi đây đi đó để quan sát, sẽ làm gì đó để kích thích sự sáng tạo và suy nghĩ  của mình. Mình không thích ngồi không. Mỗi ngày mình luôn đặt thói quen là suy nghĩ về những thứ xung quanh, để từ đó phát triển ra ý tưởng bất kỳ. Có khi một ngày ra được 2-3 ý tưởng thì mình đều sẽ note lại và làm từ từ.    

Trong bộ sưu tập Môi’s Outer Space, bạn tâm đắc nhất với artwork nào?   

Bộ sưu tập đó tới giờ đã có hơn 50 tấm rồi. Nhớ sơ sơ thì mình ưng nhất tấm “Mona Lisa ở Sài Gòn”, “Hủ tíu gõ” và bức “Bò bía”. Tấm Mona Lisa cũng được xem như tấm kinh điển trong bộ sưu tập đó của mình. Đây cũng là tác phẩm làm nên tên tuổi của Chú Môi.  Nhiều người rất tò mò về ý tưởng của bức tranh đó, “tại sao lại là Mona Lisa?”, “tại sao là chợ Bến Thành”, “tại sao có tô mì?”. Mình cảm giác mọi người đang tìm kiếm một ý nghĩa sâu xa cho bức hình đó. Chia sẻ thật là trước hôm mình vẽ bức đó, mình có một giấc mơ là bản thân đang đi chợ Bến Thành và thấy bà Mona Lisa trong tranh đang ăn mì gõ. Nó rất vô lý như vậy, và hôm sau mình tìm stock và ghép thành một bức như vậy thôi. Bức tranh vô tình trở nên viral trên mạng.  Trong bộ sưu tập đó thì thực ra tấm nào cũng ưng ý hết. Mỗi cái mang một chủ đề, một ý nghĩa riêng.   

 

“Mona Lisa ở Sài Gòn”   

Một trong những lý do khiến công chúng thích thú với Môi’s Outer Space là sự xuất hiện của những yếu tố rất Việt Nam. Trong hội họa nói chung, mỗi quốc gia thường sẽ có một pattern, một dấu ấn họa tiết riêng, ví dụ như Nhật Bản với họa tiết ngọn sóng và Trung Quốc với họa tiết Phúc Lộc Thọ. Vậy bạn nghĩ đâu là pattern của Việt Nam?   

Mình nghĩ là tất cả những gì thuộc về đường phố mà gai góc nhất của Việt Nam, hay là những gì quen thuộc nhất thì chính là pattern để mình khai thác và sáng tác. Ví dụ như xe hủ tíu gõ, hay những tấm bảng “Cấm đổ rác” hoặc cấm hành vi nào đó bậy bạ. Hay là mấy hàng rong cũng vậy.  Nó thuộc về những gì bình dân và dân dã, thuộc về đường phố.    

Tác phẩm để lại cảm xúc mạnh mẽ nhất trong lúc sáng tác?   

Là bức tranh “Fight Club” mình vẽ hồi năm ngoái, trong lúc tâm trạng hỗn loạn nhất.  Lúc đó bên trong mình có một sự đấu tranh tư tưởng với bản thân mà khó có thể diễn tả thành lời. Có nhiều người, có nhiều nhân dạng trong đầu mình tranh giành quan điểm với nhau. Đến giờ mình không nhớ rõ lúc đó là quan điểm gì, chỉ biết là khoảng thời gian đó trùng hợp là mình vừa xem được bộ phim “Fight Club”, và mình lấy ý tưởng đó trộn với bộ phim để ra được bức vẽ.  Bản thân bức tranh đã thể hiện một sự hỗn loạn. Nó có sự liên kết giữa suy nghĩ của mình ở thời khắc đó và sau khi xem bộ phim. Cảm xúc đã được đẩy lên cao trào, cuối cùng ý tưởng được thể hiện ra bằng tranh.  

Chú Môi và “Fight Club” 

Các tác phẩm của bạn đa số liên quan tới đời sống. Ngoài những chủ đề đó thì tranh của Chú Môi còn mang chủ đề nào khác nữa?   

Đời sống thường ngày ở đây chắc là những vấn đề xã hội. Ngoài chủ đề này thì mình thích khai thác những chủ đề về Việt Nam – những gánh hàng rong, những gì mình quan sát được ở đường phố hằng ngày. Đó có thể là thứ mà mọi người nghĩ rằng chẳng thể mang lại ý tưởng, nhưng với mình nó rất gần gũi và là nguồn cảm hứng.   

Mình thích ở Việt Nam có những từ vựng và cách chơi chữ hay. Mình thường suy nghĩ cách “chơi” với từ ngữ và tạo ra những hình ảnh từ đó. Mình thích những gì liên quan tới Việt Nam – nếu không ở hình ảnh thì cũng phải trong văn thơ, văn học. Có một album mình làm về văn học Việt Nam kết hợp mới – cũ , ví dụ văn học kết hợp với hiphop và thời trang. 

“Sách giáo khoa Ngữ Văn tổng hợp – Biên soạn lại bởi Chú Môi”

Ngoài album Văn học thì album tranh Đông Hồ của mình cũng thể hiện được tinh thần cũ – mới này. Mình remix lại những cái cũ với hiện đại, mà vẫn giữ được chất của tranh Đông Hồ.           “Đông Hồ”

Việc liên tục tìm kiếm và khai thác những “mặt xấu”, những góc độ tiêu cực ấy có ảnh hưởng đến năng lượng của bạn hay thông điệp tươi sáng của tác phẩm không?   

Với mình thì không. Khi mình đã vẽ ra được bức tranh, tức là mình đã giải tỏa được luồng năng lượng và cảm xúc mình đặt vào tác phẩm. Mỗi tác phẩm đều có một cảm xúc và trải nghiệm riêng đối với mình. Dù là buồn hay tiêu cực, nó đều đã giúp mình vượt qua khoảng thời gian đó. Cho tới giờ mình vẫn nghĩ việc vẽ đã giúp mình rất nhiều về kiềm chế cảm xúc, thôi thúc mình “trút” cảm xúc vào tác phẩm. Một số người sẽ có cách trút bỏ cơn giận hay luồng suy nghĩ tiêu cực vào một cái gì đó khác. Còn với mình thì khi vẽ ra được sẽ cảm thấy thoải mái hơn. 

Công nghệ đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày, và đâu đó những tác phẩm đầu tay của Chú Môi cũng đến với khán giả thông qua nền tảng công nghệ. Đối với các nghệ sĩ hiện nay, digital đã trở thành một nền tảng mà bất cứ ai cũng có thể chia sẻ nội dung sáng tạo của mình. Đó cũng là nơi để tiếp cận và tham khảo thông tin mới. Theo bạn, nền tảng digital đã mang lại những thuận lợi và rủi ro gì cho các nghệ sĩ tự do?   

Mình nói về mặt tích cực trước. Công nghệ được sinh ra để hỗ trợ con người. Với nghệ sĩ, công nghệ đã giúp họ đưa tiếng nói của mình tới nhiều người hơn thông qua việc đăng tải các tác phẩm trực tuyến. Ví dụ như ngày trước, một nghệ sĩ vẽ tranh mà không có công nghệ, khán giả chỉ có thể biết đến tác phẩm của họ qua tin tức hoặc báo đài thì bản thân công chúng cũng khó có được cái nhìn chính xác với tác phẩm đó. 

Mặt tiêu cực ở đây là việc tôn trọng quyền tác giả. Khi một tác phẩm của một nghệ sĩ được đưa lên không gian mạng, số lượng người chia sẻ sẽ rất cao. Đó vừa là cái tốt, vừa là xấu. Tốt là nhiều người biết đến tác phẩm hơn, xấu là người ta sẽ dễ dàng lấy đi tác phẩm để trục lợi cho bản thân, ví dụ mang tranh đi in mà không hỏi ý kiến tác giả. Mình thấy đây là cái rủi ro của nghệ sĩ khi chia sẻ tác phẩm của bản thân lên các nền tảng mạng xã hội.    

Khi đã đưa tác phẩm ra với công chúng thì tự tác phẩm sẽ sống đời sống riêng của nó. Thường thấy Duy Anh không chia sẻ nhiều trong phần mô tả mỗi khi đăng tranh mới lên Fanpage, mà sẽ để người xem tự nhìn và tự cảm. Vậy nhỡ đâu có người hiểu sai hay suy luận theo chiều hướng tiêu cực?    

Mình đã gặp trường hợp này rồi. Đối với những trường hợp ở mức độ vừa phải, mình vẫn tôn trọng suy nghĩ riêng của họ, họ sẽ có những suy nghĩ tốt về tác phẩm của mình. Đối với trường hợp suy diễn theo chiều hướng xấu, họ sẽ lái qua chủ đề nhạy cảm, thì lúc đó mình phải đính chính. Nhưng mình sẽ không đính chính theo kiểu “tác phẩm của tôi vẽ là vầy nè, bạn nghĩ sai rồi”, mà mình chỉ nói “nếu bạn để ý kỹ những góc này mình vẽ như thế này thì nó sẽ có một hàm ý gì đó, còn nếu như theo suy nghĩ của bạn thì bức tranh của mình sẽ không mang chủ đề như vậy nữa, có gì bạn ráng giúp mình quan sát kỹ lại nhé!”. Đó là cách xử lý của mình khi có luồng comment quá tiêu cực về tác phẩm. 

Duy Anh nhận thấy lĩnh vực thiết kế sáng tạo ở Việt Nam hiện tại như thế nào?   

Mình thấy giới sáng tạo mỹ thuật ở Việt Nam đang trên đà phát triển và tuổi đời nghề ngày càng trẻ. Ngày càng xuất hiện nhiều bạn trẻ với phong cách đặc trưng, độc lạ. Mấy bạn đó dù tuổi đời trong nghề còn ít nhưng đã tạo nên thành công trong tầm tuổi của mình. Mỗi ngày mình lại thấy một artist mới được cộng đồng biết đến. Và cộng đồng artist ở Việt Nam hiện tại khá tương trợ nhau.    

Từ góc nhìn của một người đã từng làm graphic designer với các dự án thương mại, và giờ mở rộng chuyên môn ra hội họa với tư cách một họa sĩ tự do, Duy Anh cảm thấy mình đã được gì và mất gì?   

Cái được có lẽ là sự ổn định về tài chính, khi mình còn làm ở một công ty về graphic design. Cái mất thì chắc là bị bó buộc về sáng tạo. Hồi mới tốt nghiệp, mình rất kén chọn khi ứng tuyển và muốn phải kiếm được công ty hợp với bản thân. Lăn lộn 4 tháng thì mình vô agency, nơi đó làm khá nhiều về sản phẩm bia của Nhật. Yêu cầu về mặt hình ảnh thường khá an toàn, visual đi xuyên suốt các chiến dịch và ít khi thay đổi. Nếu mình sáng tạo hơn một chút dễ bị phản hồi là đi quá giới hạn, mà lúc đó trong đầu mình lúc nào cũng bùng nổ các ý tưởng. Càng ngày mình càng cảm thấy bó buộc và khó thở, kéo theo sự sụt giảm về khả năng sáng tạo, tay nghề và nhận thức. Mình từng không nghĩ ra thứ gì sáng tạo, không nghĩ được ý tưởng gì. Còn kỹ năng cứ vậy hoài, không tiến triển. Khoảng 5 tháng sau đó mình xin nghỉ việc và bắt đầu làm freelancer.    

Vậy sự phối hợp hay những sự khích lệ, “shout out” công khai giữa các nghệ sĩ mới hiện nay sẽ mang đến cơ hội phát triển như thế nào?    

Mình nghĩ việc các artist underground chia sẻ, ủng hộ lẫn nhau đến một lúc nào đó sẽ đưa tất cả đến được thị trường rộng lớn hơn. Trong vòng tròn artist với nhau, khi có sự chia sẻ, nhắc tên công khai có thể sẽ giúp một nghệ sĩ lọt vào mắt của nhà đầu tư hoặc một người tìm kiếm tài năng. Các nhóm artist underground nội bộ với nhau cũng vậy, nghệ sĩ chính có thể sẽ được liên hệ để collab và phát triển hơn. Về mặt thương mại, nếu hỏi mình về lời khuyên thì mình vẫn nghĩ nên làm công ty để có kinh nghiệm, đồng thời phát triển kỹ năng sáng tạo bằng cách làm việc với khách hàng. Với cá nhân mình, việc mỗi ngày vừa làm cho công ty và vừa làm dự án sáng tạo cá nhân khiến mình rất khó để cân bằng, nên mình chọn con đường freelancer. Nếu bạn nào đủ cứng và trụ được thì có thể đi làm ở agency, song song đó là nuôi dưỡng luồng sáng tác của mình mỗi ngày và đưa vào công việc nếu bên công ty muốn. 

Còn đối với các bạn đang học đại học hay mới ra trường mà mong muốn làm việc trong ngành sáng tạo, mình chỉ có một chia sẻ: cứ thử hết mình, khám phá bản thân hết mình thôi, rồi cái gì tới cũng sẽ tới. Mình sẽ không khuyên các bạn đừng làm cái này đừng làm cái kia. Mà hãy là cứ thử sức đi, vì không thử thì không biết bản thân hợp với cái gì. Có khi mình không hợp với cái đó nhưng mà mình lại có khả năng sinh tồn trong môi trường đó thì sao. Chứ mà dặn trước là “ayy đừng có làm agency” thì lại làm hao hụt tinh thần của các bạn rồi 😀 Họ mới ra trường và mong muốn có những trải nghiệm mà!    

Bạn nghĩ thế nào về các sân chơi cho cộng đồng sáng tạo tại Việt Nam, bao gồm cả những nghệ sĩ tự do và giới hoạt động underground? Cơ hội nào để tất cả cùng xây dựng một cộng đồng sáng tạo mang đậm bản sắc Việt?   

Mình thấy sân chơi ở Việt Nam còn thiếu, nhưng đang có nhiều tổ chức, nhiều nhóm dần nổi lên. Trong đó vẫn có những cá nhân có tên tuổi trong ngành. Và một điều nữa là các sân chơi sáng tạo ở Việt Nam hay xuất phát từ những nhóm nhỏ gồm các cá nhân đã quen biết nhau từ trước.   

Mình từng tham gia một vài nhóm artist hoạt động cùng nhau, và mọi người đều có tâm lý chung là “thôi chơi vậy đủ rồi, anh em mình chơi với nhau thôi không có chia sẻ với ai hết, sợ thêm nhiều sẽ loãng”. Và mình thấy đó là một tâm lý khá bất lợi, vì những người quen chỉ chơi và chia sẻ với nhau thôi chứ không xây dựng thành một cộng đồng. Cá nhân mình thấy mọi thứ sẽ đa dạng hơn khi mở rộng vòng kết nối, vì sẽ không có ai phán xét đúng sai cả. Sự đa dạng trong một nhóm sẽ giúp nhóm đó đi lên nhờ có được nhiều chất riêng biệt.   

Nếu Sài Gòn có cơ hội thì nên tổ chức những buổi triển lãm nhiều hơn. Mình vẫn hay nghĩ đến một buổi triển lãm dạng arthouse, hòa trộn nhiều hình thức media. Nhạc có, thơ có, tranh vẽ có, mấy thứ đó bổ trợ cho nhau. Việt Nam hiện vẫn ít các triển lãm cá nhân của những nghệ sĩ mới. 

Bạn sẽ gửi lời nhắn gì đến chính mình của 10 năm nữa?   

“Cầm bút lên vẽ đi”. Cầm bút thì sẽ làm được nhiều thứ, ghi ra cái ý sẽ tuôn trào được nhiều thứ hơn. Còn nếu nói về cột mốc đặt ra cho 10 năm sau thì mình không đặt mục tiêu gì trước mắt hết. Mình thích ngẫu hứng và chiều theo tự nhiên thôi! 😀             Tác phẩm do Chú Môi thể hiện

Rất hi vọng sự ngẫu hứng đó sẽ giúp Duy Anh tạo nên nhiều artwork ấn tượng khác nữa, không chỉ trên Fanpage Chú Môi mà còn ở triển lãm của bạn! Cảm ơn Duy Anh rất nhiều. 

  

ALL OUR LATEST INSIGHTS ON EVERYTHING SOCIAL, DIGITAL, PR AND TECH